Mỗi cô gái có số phận riêng, đặc điểm riêng. Tuy nhiên họ đều giống nhau ở một điểm là lý do bước chân vào nghề massage. Hầu hết họ đều xuất thân từ những gia đình đông con, điều kiện kinh tế eo hẹp và chấp nhận việc ra đi như một hình thức báo hiếu. Họ không được gia đình đầu tư ăn học tử tế hay có nghề nghiệp mà khả năng lao động hết sức thô sơ.
Có một thực tế khác thường là đa số các cô gái hành nghề massage ở miền Bắc đều xuất thân từ những tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam Bộ. Trải dọc từ Nam ra Bắc, nơi đâu có dịch vụ massage là nơi đó vang lên những tiếng nói nhẹ nhàng đặc trưng của một miền kênh rạch màu mỡ và tràn đầy ánh nắng. Sinh ra trên mảnh đất trù phú lại chấp nhận cuộc mưu sinh tha phương trong một nghề không ít cạm bẫy và phức tạp, cuộc đời họ chuẩn bị cho tương lai thế nào?
Bài 1: Những con đường đến với tiếng thở dài
Út Hương mới 19 tuổi nhưng đã có 3 năm gắn bó với Hà Nội. Tuy nhiên quãng đường duy nhất mà cô thông thạo vẫn chỉ là quãng đường từ nhà trọ đến cơ sở massage nơi cô làm gần chợ Nghĩa Tân. Cô cho biết chủ cơ sở massage chỉ cho mỗi người nghỉ một tháng một ngày.
Còn phần lớn thời gian dù có khách hay không có khách thì các cô vẫn phải ở tại cơ sở từ sáng đến 11h30’, 12h đêm mới được về. Chính vì thế dù muốn đi cho biết đây biết đó cũng là chuyện cực kỳ khó khăn. Cô sống giữa Hà Nội nhưng với cô Hà Nội vẫn là một miền đất lạ.
Tuy nhiên Út Hương còn có phần tự do hơn Diễm. Cô gái đến từ Cần Thơ chưa có đủ điều kiện thuê nhà ở riêng nên ở tại luôn cơ sở. “Căn phòng chưa đến 20m2 mà 16 người ở chung nên cực lắm anh ạ”, Diễm kể với giọng đầy ngao ngán: “Lúc không có khách bọn em chỉ biết nằm ngủ bất kể ngày đêm”. Căn phòng Diễm nói đến xếp kín bốn mặt là những chiếc giường tầng. Ở trong căn phòng đó không thể nhìn thấy bầu trời vì những chiếc cửa sổ đã bị che khuất bởi đồ đạc và vật dụng của các cô gái.
Phần lớn các cô gái đều không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào mà đa số chỉ là học truyền tay nhau. Họ đến với nghề này qua các dịch vụ môi giới hoặc qua sự giới thiệu của bạn bè, họ hàng. Làm mãi thì cũng thành quen. Mỗi người một kiểu, một bài khác nhau. Thế nhưng sự thiếu chuyên nghiệp ấy chưa bao giờ là vấn đề quá quan trọng vì một thực tế đa số khách đi massage ít quan tâm đến chuyện massage. Họ có những nhu cầu khác.
Út Hương kể rằng lần đầu tiên nhìn thấy và chạm vào cơ thể một người đàn ông xa lạ, cô cũng không khỏi ngại ngùng. Tuy nhiên không thích nghi thì không thể tồn tại. “Bọn em không có lương, chỉ sống bằng tiền bo của khách. Nếu chỉ đấm bóp không thì không có bo hoặc bo rất ít. Thế nên chúng em phải đáp ứng những nhu cầu khác”.
Nhu cầu ở đây là những đòi hỏi tình dục bằng động tác, không phải nghề mại dâm. Đó là một sự thật tồn tại ở phần lớn các cơ sở massage. Mỗi lần như vậy tuỳ độ hào phóng của khách mà các cô gái được từ khoảng 100.000 đến 500.000 đồng. “Dù sao cũng an toàn và không sợ lây bệnh”, Út Hương thở dài và đưa mắt nhìn đi nơi khác.
Thu nhập của một cô gái làm massage không hề thấp trong mối tương quan với trình độ học vấn hay sự vất vả của công việc. Nếu lượng khách ổn định và hào phóng, thu nhập từ 10 đến 15 triệu một tháng không phải là điều quá khó khăn. Tuy nhiên cũng chính vì liên quan đến những nhu cầu “nhạy cảm” nên đến một độ tuổi nhất định các cô gái sẽ bị thải loại theo quy luật tự nhiên. Khi đó, bi kịch bắt đầu xảy đến. Thu nhập tưởng chừng cao ấy hoá ra cũng chỉ là một cách bán tuổi trẻ. Không tay nghề, không tích luỹ, sau 30 tuổi, những mâu thuẫn gay gắt của cuộc sống mới bắt đầu đến với họ.
Các cơ sở massage mọc lên nhan nhản (ảnh chỉ có tính minh họa).
Thy là người hiểu rõ hơn ai hết thực tế phũ phàng đó. Cô gái xinh xắn với đôi mắt to và làn mi cong có niềm tự hào là được chính cơ sở massage ở gần Mỹ Đình chụp ảnh để treo cùng biển hiệu. Theo chị gái làm massage, cô ra Hà Nội từ năm 15 tuổi.
Giờ đây sau hai năm, chính cô đang đi làm massage để nuôi người chị đã quá tuổi của mình. 32 tuổi, Thảo - chị gái Thy không biết phải đi đâu về đâu. Những người đàn ông đến với cô đều chỉ để tìm chút thay đổi trong cuộc sống rồi lại ra đi. Về quê thì không biết lấy gì làm kế sinh nhai khi không nghề nghiệp, không tích luỹ và ruộng đất cha mẹ đã chia hết cho 5 anh em còn lại trong gia đình.
Tuy nhiên bản thân Thy không có khả năng lựa chọn. Cô là con út trong số 7 người con. Cũng giống như chị gái, Thy không chỉ phải tự lo cho bản thân mà còn phải thực hiện nghĩa vụ với gia đình. “Trong Nam em là vậy. Người Bắc có thể nhìn cha mẹ vất vả để ăn học đợi ngày thành đạt. Nhưng chúng em cứ thấy cha mẹ vất vả thì tìm đường gánh vác. Ngày mai có ra sao cũng chẳng kịp nghĩ tới nữa anh à. Miễn là cha mẹ mình được đôi ngày sung sướng…”.
Diễm kể ngày đầu cô đặt chân ra Hà Nội, tài sản lớn nhất mà cô có là 5 tờ 20.000 đồng được cha cô cuộn tròn và buộc chặt để đưa cho con gái. Ròng rã 2 ngày ngồi xe cô cứ giữ khư khư số tiền đó mà chẳng dám ăn gì. “Hôm trước ba em kể ổng rơi chiếc đồng hồ xuống con rạch sau nhà. Ổng tiếc của, mất cả buổi hì hụp mò cho bằng được. Về nhà đau hết cả ngực, má em mất công chăm mấy ngày. Ổng đem đi sửa rồi khi em gọi điện về cứ kêu ca suốt. Ổng kêu lần đầu cha sửa đồng hồ mới biết sao mắc thế con. Mất tận 20 nghìn lận…!”.
Khoé mắt cô ngân ngấn những giọt lệ. Diễm đã từng là học sinh giỏi, là lớp trưởng và có rất nhiều giấy khen. Ba mẹ thương con nên cũng cố cho Diễm học hết lớp 12. Nhưng khi nhìn lại hai đứa em đang lớn và ba mẹ già yếu từng ngày, Diễm đã ra Bắc để kiếm tiền phụ giúp gia đình. “Làm đâu xa nhà để đừng bao giờ gặp người quen bè bạn chứ ko ngượng lắm anh à!”.
Mỗi cô gái có số phận riêng, đặc điểm riêng. Tuy nhiên họ đều giống nhau ở một điểm là lý do bước chân vào nghề massage. Hầu hết họ đều xuất thân từ những gia đình đông con, điều kiện kinh tế eo hẹp và chấp nhận việc ra đi như một hình thức báo hiếu. Họ không được gia đình đầu tư ăn học tử tế hay có nghề nghiệp mà khả năng lao động hết sức thô sơ. Do đó mỗi cô gái đều phải chấp nhận gánh nặng từ đặc tính của công việc và sự rủi ro của tương lai. Tất cả họ đều không được trả lương hay có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Nhìn sâu hơn vào hiện tượng này thì đó là một vấn đề nhức nhối của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Xét dưới góc độ kinh tế thì đây là khu vực cực kỳ quan trọng và có đầy đủ các điều kiện để phát triển cuộc sống. Năm 2010, thu nhập GDP đầu người của ViệtNam đạt 1.200 USD/năm trong khi vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 900 USD.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 của vùng đồng bằng sông Cửu Long là 18,85%, chỉ thua vùng núi miền Bắc. Số liệu chính thức này vừa được công bố dựa theo chuẩn nghèo mới, theo đó ở nông thôn, hộ nghèo có thu nhập từ 400.000đ/tháng hay 4,8 triệu đồng/năm trở xuống. Liệu có liên quan gì giữa những con số trên với đội ngũ những chị em làm nghề massage tràn từ vùng quê này ra các tỉnh phía Bắc? Phải chăng, đây cũng là một nghề như bao nghề kiếm sống lương thiện khác?
Có lẽ vì bao đời nay, ở đồng bằng sông Cửu Long, gánh nặng về kinh tế lại được đặt nhiều lên vai người phụ nữ. Không được học hành nhiều, thiếu kỹ năng sống, nhiều cô gái miền Tây đã bước vào cuộc sống phức tạp nơi đô thị với tất cả sự nghèo nàn và dễ bị tổn thương của mình. Sau những mảng tối của phong trào lấy chồng Hàn Quốc thì hiện tượng lan tràn lao động trong một nghề nhạy cảm như massage thực sự cần được nhìn nhận một cách công bằng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước sức ép ngột ngạt của cơ chế thị trường.
Thời điểm mới ra Hà Nội, mỗi ngày các nhân viên ở cơ sở nơi Út Hương làm đều có thể phục vụ từ 3 đến 5 khách. Để đảm bảo sự công bằng thì tại các cơ sở massage đều áp dụng chính sách “xoay tua”.
Tức là các nhân viên đều xếp hàng cho tới lượt mình. Nếu có khách quen yêu cầu ai thì người đấy sẽ được lên trước. Tuy nhiên giờ đây các cơ sở massage mọc lên nhan nhản ở Hà Nội. Số nhân viên massage tại mỗi cơ sở cũng tăng lên liên tục. Mỗi ngày Út Hương chỉ còn làm trung bình từ 1 đến 2 khách.
Do đó sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. “Mỗi ngày ít nhất em phải làm được hai khách mới đủ tiền nuôi sống bản thân và gửi về gia đình”, Út Hương nói trong chán nản: “Thế nên muốn đảm bảo thì buộc phải có khách quen. Mà muốn có khách quen thì buộc phải chiều khách”.
Theo CAND
No comments:
Post a Comment